Hướng Dẫn Tập Cho Mèo Con Đi Vệ Sinh Trong Khay Từ A Đến Z Cho Người Mới Nuôi

Ngày: 10/10/2024

Đa số mèo trưởng thành biết tự tìm đến nơi có cát để đi vệ sinh. tuy nhiên với mèo con có thể cần một chút trợ giúp để tìm ra thói quen đi vệ sinh đúng cách.

 
Sau đây là hướng dẫn chi tiết cách tập cho mèo con đi vệ sinh đúng chỗ, bao gồm thời điểm bắt đầu, cách chọn loại khay vệ sinh và cát vệ sinh phù hợp, cách và vị trí đặt khay vệ sinh, và cách giúp mèo con của bạn làm quen hoàn toàn với khay vệ sinh.
 

Khi nào thì bắt đầu tập cho mèo đi vệ sinh trong khay cát?

Trong vài tuần đầu sau khi sinh, mèo mẹ sẽ kích thích để mèo con đi vệ sinh và tự dọn chất thải cho mèo con. Trong thời gian này, mèo con không cần khay vệ sinh.
 
Bạn có thể bắt đầu tập cho mèo con đi vệ sinh đúng chỗ khi chúng khoảng 4 tuần tuổi với một khay vệ sinh thân thiện với mèo con. Thời điểm này trùng với thời điểm mèo con bắt đầu cai sữa.
 
Trường hợp bạn nhận nuôi một chú mèo con lớn tuổi hơn hoặc mèo trưởng thành, bạn có thể bắt đầu tập cho mèo đi khay vệ sinh ngay khi bạn mang mèo về nhà.
 

Các bước dạy mèo đi vệ sinh trong khay

1. Chọn khay vệ sinh

 
Chọn khay vệ sinh cho mèo tưởng chừng là việc đơn giản, nhưng thực tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. 
 
Khay vệ sinh cho mèo trưởng thành có kích thước quá lớn và có thể gây sợ hãi cho mèo con. Khay vệ sinh cho mèo con nên có kích thước 33 x 23 cm là phù hợp nhất.
 
Chiều dài lý tưởng của khay vệ sinh là gấp 1.5 lần chiều dài cơ thể mèo. Khi mèo lớn lên, khay vệ sinh cũng cần thay đổi theo cho phù hợp.

Chọn loại có nắp hay không có nắp?

Đa số mèo thích loại không có nắp. Vì trong tự nhiên, mèo không muốn bị mắc kẹt với động vật săn mồi trong một không gian kín. Điều này có nghĩa là mèo có thể cảm thấy bị mắc kẹt nếu khay vệ sinh có nắp đậy.
 
Với mèo nhà, việc lựa chọn giữa loại khay có nắp và khay không nắp tùy thuộc sở thích cá nhân của từng con. Một số mèo thích không gian mở, trong khi những con khác thích không gian kín. Vì vậy, tùy vào sở thích của mèo nhà bạn để lựa chọn loại khay phù hợp với chúng. Tìm hiểu thêm về cách chọn khay vệ sinh cho mèo tại đây.
 
MUA NHÀ VỆ SINH CHO MÈO TẠI ĐÂY
 
 

2. Chọn cát vệ sinh

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết mèo thích cát vệ sinh dạng hạt mịn, có thể là vì cảm giác mềm hơn khi đạp lên. Khi nói đến cát vón cục hay không vón cục, mỗi mèo lại có sở thích riêng. Tuy nhiên cát vón cục có ưu điểm là dễ xúc dọn hơn.

 

Hãy thử một vài loại cát vệ sinh và chọn ra loại cát vệ sinh mà mèo con của bạn thích nhất. Hoặc tham khảo về ưu nhược điểm của các loại cát vệ sinh phổ biến trên thị trường tại đây.

 

MUA CÁT VỆ SINH CHO MÈO TẠI ĐÂY

 

3. Chọn nơi đặt khay vệ sinh

Vị trí đặt khay vệ sinh có vai trò quan trọng quyết định việc mèo có đi vệ sinh đúng chỗ hay không. Sau đây là một số gợi ý:
 
  • Yên tĩnh và ít người qua lại: Mèo thích đi vệ sinh ở nơi yên tĩnh, tránh xa những khu vực ồn ào hoặc đông người qua lại. Nếu khay vệ sinh được đặt ở nơi mèo cảm thấy không an toàn, chúng có thể từ chối sử dụng hoặc thậm chí đi vệ sinh ở nơi khác trong nhà.
 
  • Tránh xa khu vực ăn uống: Mèo có bản năng không muốn đi vệ sinh gần chỗ ăn uống của mình. Đảm bảo khay vệ sinh được đặt xa khỏi khu vực mà mèo ăn hoặc uống nước.
 
  • Dễ tiếp cận nhưng không quá lộ liễu: Mèo cần dễ dàng tiếp cận khay vệ sinh, đặc biệt nếu nhà bạn có nhiều tầng hoặc phòng. Đảm bảo mèo có thể đến khay vệ sinh mà không phải vượt qua quá nhiều trở ngại, nhưng cũng tránh đặt khay ở nơi quá lộ liễu hoặc gần khu vực đi lại chính trong nhà.
 
  •  Thông thoáng nhưng không quá hở: Mèo thường thích có không gian mở và thông thoáng khi đi vệ sinh, nhưng cũng không muốn cảm thấy bị theo dõi. Bạn nên chọn vị trí có sự cân bằng giữa thoáng khí và sự riêng tư.
 
  •   Đối với mèo nhát, tránh không gian quá kín: Như đã đề cập ở phía trên, một số mèo có thể cảm thấy bị mắc kẹt nếu khay vệ sinh bị che kín hoặc đặt trong không gian quá nhỏ hẹp, vì điều này làm chúng lo lắng trước kẻ săn mồi. Nên tránh đặt khay vệ sinh trong không gian quá kín như tủ nhỏ hoặc góc hẹp, đặc biệt nếu mèo của bạn có tính nhút nhát.
 

4. Cho mèo làm quen với khay vệ sinh

Chỉ cho mèo con vị trí của khay vệ sinh và để chúng đánh hơi (ngửi) làm quen.

 

Nhẹ nhàng đặt mèo con vào khay vệ sinh. Theo bản năng, mèo có thể bắt đầu cào cát hoặc thậm chí đi vệ sinh vào khay ngay lần đầu tiếp xúc.

 

Nếu mèo con của bạn không đi vệ sinh vào khay trong lần đầu tiên, hãy thử đặt mèo con vào khay sau mỗi lần mèo ăn, uống hay mới ngủ dậy cho đến khi mèo tự biết đi vệ sinh vào khay. Mèo con thường đi vệ sinh ngay sau khi ăn hoặc sau khi thức dậy. Hãy chú ý các dấu hiệu như mèo làm động tác đào cát hoặc quay vòng tròn, và đưa mèo đến khay ngay lập tức.

 

5. Tạo cho mèo thói quen đi vệ sinh đúng chỗ

Mỗi lần mèo con của bạn đi vệ sinh đúng chỗ, hãy thưởng cho chúng một món ăn ưa thích để tạo cho mèo con mối liên hệ tích cực giữa việc đi vệ sinh đúng nơi với việc được khen thưởng.

 

Để làm điều này, bạn phải thưởng cho mèo ngay sau khi đi vệ sinh xong.

 

Nếu mèo con của bạn đi vệ sinh sai chỗ, đừng trừng phạt hay la mắng. Bình tĩnh dọn dẹp đống bừa bộn bằng chất tẩy rửa có chứa enzyme và kiên nhẫn thực hiện lại các bước trên.

 

MUA BÁNH THƯỞNG CHO MÈO TẠI ĐÂY

6. Giữ cho khay vệ sinh luôn sạch sẽ

Lý tưởng nhất là bạn nên xúc chất thải của mèo con sau mỗi lần chúng đi vệ sinh. Việc này giúp mèo không bị ác cảm với khay vệ sinh trong quá trình huấn luyện. Sau khi xúc, đổ thêm một ít cát sạch để duy trì độ sâu của cát từ 5 đến 8 cm để mèo có đủ không gian đào bới.

 

Khi mèo của bạn lớn hơn và đã biết sử dụng khay vệ sinh thường xuyên, bạn có thể xúc hàng ngày thay vì sau mỗi lần đi vệ sinh. Rửa sạch bằng xà bông và phơi khô khay vệ sinh mỗi 1-2 tuần/lần.

 

Cần làm gì khi mèo con không chịu đi vệ sinh vào khay?

Nếu mèo con từ chối sử dụng khay vệ sinh và tiếp tục đi bậy ra ngoài, hãy thử các bước sau:
 
1. Xem lại nơi đặt khay vệ sinh đã hợp lý chưa.
 
2. Cân nhắc đổi loại khay vệ sinh hoặc cát vệ sinh. Thử các cách khác nhau để tìm ra chính xác nguyên nhân.
 
3. Dọn cát thường xuyên hơn.
 
4. Đưa mèo con đến bác sĩ thú y để kiểm tra ký sinh trùng, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các vấn đề khác có thể là nguyên nhân khiến mèo đi vệ sinh sai chỗ. Những vấn đề này hiếm khi xảy ra ở mèo con, nhưng không nên bỏ qua. 
 
Quan trọng hơn cả, hãy luôn kiên nhẫn! Việc huấn luyện cần có thời gian, nhưng mèo con của bạn sẽ thành thạo những thói quen này với tình yêu, sự hỗ trợ và sự chú ý của bạn.
 
 
BÌNH LUẬN
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Tin cùng chuyên mục